Monday, January 12, 2009

Ngày 19/11/2007, Microsoft chấm dứt tiến trình thử nghiệm kéo dài tới 18 tháng và tung ra phiên bản chính thức Visual Studio 2008. Đây là một sự kiện quan trọng trong nghành công nghệ tin học. Bài viết này viết về những điểm mới, mạnh và nổi của sản phẩm đặt trong mối quan hệ của chiều dài phát triển MICROSOFT VISUAL STUDIO, đồng thời mạnh dạn đề xuất những giải pháp nhằm phát triển sản phẩm VISUAL STUDIO 2008 ở thị trường Việt Nam…

I .TỔNG QUAN VỀ MICROSOFT VISUAL STUDIO:

1. MICROSOFT VISUAL STUDIO là môi trường phát triển tích hợp chính (Integrated Development Environment (IDE) được phát triển từ Microsoft. Đây là một loại phần mềm máy tính có công dụng giúp đỡ các lập trình viên trong việc phát triển phần mềm.
Các môi trường phát triển hợp nhất thường bao gồm:
- Một trình soạn thảo mã (source code editor): dùng để viết mã.
- Trình biên dịch (compiler) và/hoặc trình thông dịch (interpreter).
- Công cụ xây dựng tự động: khi sử dụng sẽ biên dịch (hoặc thông dịch) mã nguồn, thực hiện liên kết (linking), và có thể chạy chương trình một cách tự động.
- Trình gỡ lỗi (debugger): hỗ trợ dò tìm lỗi.
- Ngoài ra, còn có thể bao gồm hệ thống quản lí phiên bản và các công cụ nhằm đơn giản hóa công việc xây dựng giao diện người dùng đồ họa (GUI).
- Nhiều môi trường phát triển hợp nhất hiện đại còn tích hợp trình duyệt lớp (class browser), trình quản lí đối tượng (object inspector), lược đồ phân cấp lớp (class hierarchy diagram),… để sử dụng trong việc phát triển phần mềm theo hướng đối tượng.


Như vậy, MICROSOFT VISUAL STUDIO được dùng để phát triển console (thiết bị đầu cuối – bàn giao tiếp người máy) và GUI (giao diện người dùng đồ họa) cùng với các trình ứng dụng như Windows Forms, các web sites, cũng như ứng dụng, dịch vụ wed (web applications, and web services). Chúng được phát triển dựa trên một mã ngôn ngữ gốc (native code ) cũng như mã được quản lý (managed code) cho các nền tảng được được hỗ trợ Microsoft Windows, Windows Mobile, .NET Framework, .NET Compact Framework và Microsoft Silverlight.
Visual Studio hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ lập trình, có thể kể tên như sau: C/C++ ( Visual C++), VB.NET (Visual Basic .NET), va C# (Visual C#)… cũng như hỗ trợ các ngôn ngữ khác như F#, Python, và Ruby; ngoài ra còn hỗ trợ cả XML/XSLT, HTML/XHTML, JavaScript và CSS…


2. Những chức năng của MIROSOFT VISUAL STUDIO:
MICROSOFT VISUAL STUDIO có những chức năng cơ bản sau: soạn thảo mã ( code editor); Trình gỡ lỗi (debugger); và Thiết kế (Designer). ở đây tôi chỉ trình bày một số công cụ quan trọng của chức năng Designer – đây được xem là một trong những điểm nhấn của microsft visual studio.
- WinForms Designer: đây là công cụ tạo giao diện đồ họa dùng WinForms. Điểm đặc biệt ở đây là giao diện với người dùng sinh động, dễ nắm bắt. Nó bao gồm các phím bấm, thanh tác vụ, hay các box đa dạng (textbox, list box, grid view…). Bạn có thể di chuyển, kéo ra, nhúng thả chúng một cách dễ dàng.
- WPF Designer: WPF Designer còn có tên mã là Cider, được hỗ trợ trong Visual Studio 2008. Nó tạo các mã XAML cho giao diện người sử dụng (UI), mã này tích hợp với trình ứng dụng Microsoft Expression Design.
- Web designer: Visual Studio cũng hỗ trợ cộng cụ thiết kế trang web, trong đó cho phép các công cụ thiết kế trang web được kéo, thả, rê, nhúng một cách dễ dàng… Công cụ này dùng để phát triển trình ứng dụng ASP.NET và hỗ trợ HTML, CSS and JavaScript.
- Class designer: Đây là công cụ dùng để thực thi và chỉnh sửa lớp. Nó có thể dùng mã C# và VB.NET …
- Data designer: Đây là công cụ dùng để chỉnh sửa một cách sinh động, linh hoạt các lược đồ dữ liệu, bao gồm nhiều loại lược đồ, liên kết trong và ngoài
- Mapping designer: Đây là công cụ tạo các mối liên hệ giữa sơ đồ dữ liệu và các lớp để quản lý dữ liệu một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra còn có thể kể tên một số công cụ khác như:
- Open Tabs Browser: Nó được dùng để liệt kể các tab đã mở và chuyển đổI giữa chúng. Bạn cũng có thể dùng phím nóng: CTRL + TAB.
- Properties Editor: Chức năng dùng để chỉnh sửa các chức năng của các cửa sổ giao diện đồ họa ngườI dùng (GUI) trong Visual Studio. Nó có thể áp dụng cho các lớp, các mẫu định dạng hay trang web và các đốI tượng khác.
- Object Browser: Đây là một thư viện tên miền và lớp trình duyệt cho Microsoft.NET.
- Solution Explorer: theo ngôn ngữ của Visual Studio, solution là một bộ phận của mã file và mã nguồn khác được dùng để xây dựng các trình ứng dụng. Công cụ Solution Explorer được dùng để để quản lý và trình duyệt các file trong solution.
- Team Explorer: Đây là công cụ dùng để hợp nhất các máy tính trong Team Foundation Server, và RCS (revision control system - hệ thống điều khiển xét duyệt) vào trong IDE
- Data Explorer: Data Explorer dùng để quản lý các dữ liệu trên các phiên bân của Microsoft SQL Server. Nó cho phép tạo lập và chỉnh sửa các bảng dữ liệu được tạo T-SQL commands hay dùng Data designer
- Server Explorer: Đây là công cụ dùng để quản lý dữ liệu trên máy tính được kết nối.


3. Các dòng sản phẩm đã phát hành của MICROSOFT VISUAL STUDIO:
MICROSOFT VISUAL STUDIO đã phát hành các dòng sản phẩm sau:
+ Visual Studio Express: trong đó bao gồm: Visual Basic Express; Visual C++ Express; Visual C# Express ; Visual Web Developer Express.
+ Visual Studio Standard
+ Visual Studio Professional
+ Visual Studio Tools for Office
+ Visual Studio Team System: trong đó bao gồm: Team Explorer (basic TFS client); Architecture Edition; Database Edition; Development Edition; Test Edition

Về Visual Studio Team System: Năm 2006, Microsoft đã mở rộng dòng sản phẩm Visual Studio của họ thêm một số nhóm sản phẩm có tên gọi là Visual Studio Team System. Chúng có một sản phẩm mới đó là Team Foundation Server cho việc điều khiển mã nguồn, quản lý dự án, kiểm tra và mô hình hóa cũng như một số phiên bản của môi trường phát triển đã được tích hợp Visual Studio 2005 (IDE) hỗ trợ các tính năng của Team Foundation Server.

Visual Studio Team System là một dòng sản phẩm được thiết kế để hỗ trợ sự cộng tác và truyền thông giữa các chuyên gia phát triển phần mềm, những người đang sử dụng Visual Studio IDE. Team System hỗ trợ kiểm soát mã nguồn, quản lý dự án, quản lý xây dựng phần mềm, kiểm tra và các nhóm nhiệm vụ phát triển khác. Nó gồm có Visual Studio Team Foundation Server và một tập các phiên bản đặc biệt của Visual 2005 Studio IDE hỗ trọ các role phát triển cụ thể như các kiến trúc sư, các chuyên gia phát triển phần mềm hay các kiểm tra viên. Các khả năng của Team System gồm có:

- Kiểm soát mã nguồn: Team System cung cấp một hệ thống kiểm soát mã nguồn mới, hệ thống này cho phép các chuyên gia phát triển có thể thực hiện hài hòa các thay đổi đối với các file mã nguồn cho một dự án.
- Quản lý dự án: Team System cung cấp một cơ sở dữ liệu quản lý dự án phần mềm có khả năng tùy chỉnh cho việc kiểm tra lỗi, các yêu cầu trong tương lai, các trường hợp thử và lĩnh vực khía cạnh công việc của các chuyên gia phát triển phần mềm khác thông qua toàn bộ một chu trình thiết kế, viết mã và kiểm tra.

Về Visual Studio Tools for Office: Visual Studio Tools for Office cho phép các chuyên gia phát triển phần mềm có thể tạo các ứng dụng tùy thích hoặc ứng dụng để mở rộng Word, Excel và Outlook với sự logic riêng (như một giao diện cuối đối với một hệ thống thanh toán) đang chạy dưới .NET Framework

II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA MICROSOFT VISUAL STUDIO

1. VISUAL STUDIO 97
Microsoft lần đầu ra mắt Visual Studio vào năm 1997 và tích hợp nhiều công cụ phát triển đi kèm. Visual Studio 97 có 2 phiên bản là Professional and Enterprise. Lúc này visual studio có chứa các ngôn ngữ lập trình sau: Visual Basic 5.0 và Visual C++ 5.0 dành cho HDH Windows; Visual J++ 1.1 dành cho Java; Visual FoxPro 5.0 lập trình CSDL; Visual InterDev để thiết kế web động như ASP, hỗ trợ cả 2 ngôn ngữ là JAVASCRIPT và VBSCRIPT.
Visual Studio 97 được Microsoft thử nghiệm việc sử dụng cùng một môi trường phát triển cho nhiều ngôn ngữ.
- Visual C++, Visual J++, InterDev, và MSDN Library… Developer Studio) sử dụng chung một môi trường phát triển WinAPI.
- Trong khi Visual Basic và Visual FoxPro lại phát triển theo một hướng riêng lẻ so với các ngôn ngữ trên.


2. VISUAL STUDIO 6.0
Là một phiên bản tiếp (version 6.0) ra đời vào tháng 6 năm 1998 cải thiện thêm cho Visual Studio 97. Đây cũng là phiên bản cuối cùng chạy trên nền tảng Win9x. Mặt khác cũng có những nâng cấp rõ rệt: Visual J++ nâng cấp lên 1.1 và Visual InterDev 1.0. Phiên bản này như là một cơ sở, một nền tảng mà Microsoft phải mất tới 4 năm để phát triển lên một môi trường phát triển mới mà giờ đây người ta gọi là .NET Framework.
Visual Studio 6.0 là phiên bản cuối cùng của các ngôn ngữ Visual Basic, Visual J++; Đồng thời trong phiên bản J++ đã được cải tiến thêm một số chức năng hướng đối tượng khác và nhanh chóng bán công cụ lập trình này với mục tiêu là JVM (Java Virtual Machine). JVM có vai trò rất quan trọng để các ứng dụng Java hoạt động. Nó hoạt động giống một máy tính ảo, có bộ lệnh, cấu trúc bộ nhớ… JVM được xây dựng ở tất cả các HDH. Nó dịch các class của Java và đó là lý do để các ứng dụng Java hoạt động được ở các HDH.
Khác với VC97. Visual J++ Visual InterDev không sử dụng chung môi trường phát triển WINAPI của Visual C++ nữa, trong khi đó Visual Basic và Visual FoxPro vẫn tiếp tục đi theo những công cụ lập trình của mình.


3. VISUAL STUDIO .NET (2002)
Microsoft phát hành Visual Studio .NET - tên mã là Rainier, vào tháng 2 năm 2002 ( bản beta được phát hành năm 2001). Đó là một sự thay đổi lớn trong công nghệ phát triển phần mềm. MS đã giới thiệu một môi trường phát triển “quản lý code” (managed code) sử dụng .NET Framework. Chương trình được phát triển sử dụng .NET không được biên dịch giống như C++ trước đây. Nhưng được biên dịch theo một ngôn ngữ trung gian gọi là MSIL (Microsoft Intermediate Language) hoặc CIL (Common Intermediate Language). Khi chương trình MSIL chạy thì nó mới được biên dịch bằng ngôn ngữ máy (ASM), và từ đây người ta có thể viết được các phần mềm portable (không cần setup).
Ngoài ra Microsoft cho ra đời 2 ngôn ngữ mới là C# (C-sharp) và J# với mục tiêu là lập trình trên môi trường .NET. J# là thế hệ tiếp theo của J++. Visual J# dùng cú pháp của ngôn ngữ Java. Tuy nhiên không giống như Visual J++, Visual J# có thể hoạt động độc lập trên .NET Framework, Nó không còn phụ thuộc vào JVM và các công cụ của Java nữa.
Visual Basic được lột xác thành Visual Basic .NET. Trước kia nó được thiết kế để lập trình ứng dụng tương tác với CSDL, nhưng khi lên VB.NET nó có đầy đủ khả năng để viết được tất cả các ứng dụng mạnh không thua gì C++ và J++. Microsoft cũng mở rộng C++, gọi là Managed Extensions for C++. Vì vậy người lập trình C++ vẫn có thể sử dụng .NET. Ở Visual Studio .NET, ngoài Visual FoxPro thì các ngôn ngữ C++,J#,C#,VB.NET đã cùng sử dụng chung một môi trường phát triển.


4. VISUAL STUDIO .NET 2003
Vào tháng 4 năm 2003, Microsoft hoàn thành một bản nâng cấp của Visual Studio.NET được gọi là Visual Studio .NET 2003 - có tên mã là everett. Nâng cấp thêm .NET Framework thành phiên bản 1.1 với sự hỗ trợ cho việc phát triển ứng dụng trên điện thoại di động và ASP.NET.
Trình biên dịch Visual C++ được cải thiện thêm nhiều so với C++ chuẩn trước đây, chủ yếu là thêm một số từ khóa mới để thích hợp với .NET. Trong VS2k3 thì có một công cụ miễn phí là Visual C++ Toolkit 2003 có thể biên dịch nhanh các file .cpp mà không cần IDE và nhanh chóng được ứng dụng mà ngày nay nó được thay thế là Express Editions.


5. VISUAL STUDIO 2005
Visual Studio 2005, có tên mã là Whidbey, được phát hành vào tháng 10 năm 2005. Cùng với NET Framework, được nâng cấp lên thành version 2.0. Đây cũng là phiên bản cuối cùng thích hợp cho Windows 2000. Microsoft phát hành Service Pack 1cho Visual Studio 2005 vào 14 tháng 12 năm 2006. Bản nâng cấp Service Pack 1 cho Windows Vista được hoàn thành vào 3/6/2007.
Phiên bản này cung cấp các công cụ mới cho việc phát triển mã cơ sở dữ liệu phía trình chủ của SQL Server 2005. Nó cũng hỗ trợ .NET Framework 2.0, cụ thể có các công cụ hỗ trợ các tính năng ASP.NET 2.0 (như các mẫu “Master Pages” chung cho các trang thông thường) và sự triển khai “ClickOnce” của các ứng dụng nhỏ trên máy khách. Visual Studio 2005 đã giới thiệu các API Visual Basic được đơn giản hóa cho các nhiệm vụ lập trình chung nhất và khôi phục các tính năng Visual Basic IDE (như việc gỡ rối “edit-and-continue”), đây là tính năng không có trong Visual Studio .NET 2003 và Visual Studio .NET. Visual Studio 2005 cũng cung cấp một công nghệ tối ưu hóa hiệu suất mới cho C++ “profile-driven” đặc biệt dành cho các ISV thương mại.


Visual Studio 2005 giới thiệu một số phiên bản mới của IDE để sử dụng với Team Foundation Server. Mặc dù vậy, các phiên bản Visual Studio 2005 Express, Standard và Professional của IDE có thể được sử dụng độc lập cho dịch-gỡ rối trước đây và chúng cũng có thể được sử dụng với các công cụ dành cho nhóm phát triển từ các hãng khác.
Trong phiên bản này có nhiều sự thay đổi lớn về ngôn ngữ nó đặc biệt là C++. Ra đời C++/CLI để thay thế cho Managed C++ khi lập trình trên .NET Một số nét đặc trưng mới của VS2k5 là thêm vào “Deployment Designer” cho phép kiểm tra ứng dụng trước khi đưa ra triển khai, Môi trường phát triển WEB trở thành ASP.NET 2.0.

Visual Studio 2005 cũng hỗ trợ các ứng dụng 64-bit. Trong khi xây dựng trên môi trường ứng dụng WINDOWS 32-bit. Visual C++ 2005 hỗ trợ biên dịch cho x64 (AMD64, EM64T) giống như IA-64 (Itanium)


6. VISUAL STUDIO 2008.
Visual Studio 2008, có tên mã là Orcas, là một phiên bản tiếp theo của Visual Studio 2005. Phiên bản Visual Studio này gồm các công cụ phát triển với .NET Framework 3.0, được cài đặt trước trong Windows Vista và cũng có sẵn cho Windows XP và Server 2003 nhưmột add-on miễn phí. Các công cụ đã được lên kế hoạch gồm có bộ thiết kế kéo - thả cho các giao diện sử dụng đồ họa (GUI) Windows Presentation FrameWork và các công cụ thiết kế cho engine luồng công việc Windows Workflow Foundation. Orcas cũng sẽ cung cấp ngôn ngữ truy vấn tích hợp (LINQ), các mở rộng trong cơ sở dữ liệu và dữ liệu XML. Orcas sẽ cộng tác với các cộng cụ lập trình mới nhất cho công cụ quản lý hệ thống theo sự phát triển trong cách giải quyết hệ thống động (Dynamic Systems Initiative). Tuy nhiên có một điều là Orcas không có J#, một ngôn ngữ giống như Java mà Microsoft lên kế hoạch để tiếp tục phát triển. (J# sẽ không được hỗ trợ chủ đạo vào năm 2012 và 5 năm hỗ trợ mở rộng sau đó).


III. MICROSOFT VISUAL STUDIO 2008 – MỘT BƯỚC TIẾN MỚI:

Ngày 19/11/2007, Microsoft chấm dứt tiến trình thử nghiệm kéo dài tới 18 tháng và tung ra phiên bản chính thức Visual Studio 2008. Điều đặc biệt phiên bản Express Editon hoàn toàn miễn phí chủ yếu hướng tới người dùng cá nhân. Đây là điều mà mọi người đã mong đợi từ lâu!

Visual Studio 2008 tích hợp những tính năng có thể làm thoả mãn bất kỳ nhà phát triển ứng dụng nào. Visual Studio 2008 được đánh giá cao quả những điểm nổi trội sau:


Thứ nhất Visual Studio 2008 tích hợp phiên bản chính thức .NET Framework 3.5 và môi trường đồ hoạ động mới nhất Silverlight. Visual Studio 2008 còn có thêm một công cụ mới nữa là Popfly Explorer. Đây là công cụ cho phép nhà phát triển xây dựng các ứng dụng dịch vụ web trên nền tảng Silverlight mới ra mắt của Microsoft. Một dạng nền tảng tương tự Adobe Flash.
Thứ hai Visual Studio 2008 giờ cũng đã tích hợp khả năng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ động như IronRuby và IronPython. Và cuối cùng là Visual Studio 2008 được Microsoft tích hợp thêm LINQ. Tính năng này cho phép ngôn ngữ lập trình .NET có thể truy vấn dữ liệu thông qua Lexicon tương tự như SQL nhưng không cần phải thông qua các bộ xử lý dữ liệu như ADO.


Thứ ba Công cụ Sync Framework tích hợp sẵn giúp mở rộng khả năng hỗ trợ đồng bộ hoá của Visual Studio 2008 cho phép tạo ứng dụng phối hợp ngoại tuyến hoặc ngang hàng. Microsoft tuyên bố Sync Framework là nền tảng để đưa dịch vụ web và cơ sở dữ liệu từ trên mạng xuống dưới PC, hỗ trợ đồng bộ hoá ngang hàng bất kỳ loại tệp tin nào theo bất kỳ thủ truyền tải, loại dữ liệu hoặc hình thức lưu trữ nào.
Tóm lại Visual Studio 2008 ra mắt những ưu điểm chính cho các chuyên gia phát triển phần mềm thể hiện trong 3 lĩnh vực chính:

* Cải thiện khả năng sản xuất
* Quản lý chu trình phát triển ứng dụng
* Triển khai các công nghệ mới nhất

Những đặc điểm này ta có thể thấy rõ đã tạo ra một bước tiến lơn.
Về Cải thiện khả năng sản xuất : Với mỗi phiên bản, Microsoft luôn cố gắng cải thiện Visual Studio để sao cho bạn luôn đạt được hiệu suất làm việc ngày càng cao hơn. Chính vì vậy mà Visual Studio 2008 đã đi sâu vào giải quyết những vấn đề phức tạp của công việc phát triển phần mềm:


Thứ nhất là vấn đề Truy xuất dữ liệu: Có thể nói những thay đổi về truy xuất dữ liệu trong Visual Studio 2008 là một cuộc cách mạng. Ở phiên bản này Microsoft giới thiệu LINQ (Language Integrated Query – Ngôn ngữ truy vấn tích hợp) giúp nhà phát triển có thể tương tác với dữ liệu dựa trên một mô hình hoàn toàn mới với rất nhiều hỗ trợ cho hai ngôn ngữ C# và Visual Basic. Xử lý dữ liệu luôn là trở ngại chính mà các nhà phát triển thường phải đối mặt, đặc biệt là quá trình làm việc với những dữ liệu mang tính trao đổi cao như XML (eXtensible Markup Language - Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng). Nhưng với LINQ, mọi thứ dường như được giải tỏa, bởi như tên gọi của nó, LINQ được tích hợp vào ngay bản thân ngôn ngữ lập trình.
Với sự hỗ trợ sâu về việc kết hợp ngôn ngữ truy vấn tích hợp .NET (LINQ to SQL) bên trong các ứng dụng Web ASP.NET, Visual Studio tạo lên sự sáng tạo dữ liệu cho các website, làm cho chúng trở lên năng suất hơn và cũng hiệu quả hơn. Các chuyên gia có thể sử dụng các ngữ nghĩa lập trình quen thuộc để truy cập vào tất cả các nguồn dữ liệu trong theo cách hợp nhất.


Thứ hai là Thiết kế giao diện nhanh, hiệu quả: Với Visual Studio 2008, chỉ với một IDE duy nhất, chúng ta có thể làm việc được với tất cả các phiên bản của .Net Framework từ phiên bản mới nhất 3.5 đến phiên cũ hơn 3.0 hay thậm chí là 2.0. Đặc biệt Windows Form designer của Visual Studio 2008 được tích hợp chặt chẽ với WPF (Windows Presentation Foundation), giúp nhà phát triển có được một giao diện thật bắt mắt nhưng lại chẳng tốn nhiều thời gian, công sức.


Thứ ba là Tạo các ứng dụng Microsoft Office hiệu quả: Tích hợp chặt chẽ với Microsoft Office thông qua bộ công cụ Visual Studio Tools for Office (VSTO), hiện được tích hợp đầy đủ bên trong Visual Studio 2008 Professional Edition. Các chuyên gia phát triển phần mềm có thể nhắm một cách dễ dàng đến hơn 500 triệu người dùng Microsoft Office khi đang dùng các kỹ năng mã được chế ngự như nhau mà họ đã phát triển cho việc viết các ứng dụng Microsoft Windows hoặc các ứng dụng ASP.NET. Visual Studio cho phép các chuyên gia phát triển phần mềm có thể tùy chỉnh Word, Excel®, PowerPoint, Outlook, Visio®, InfoPath®, và Project để cải thiện năng suất người dùng và tận dụng nhiều cải thiện trong hệ thống Offìce 2007 của Microsoft.
Các chuyên gia phát triển phần mềm có thể sử dụng các công cụ trong Visual Studio để tạo tùy chọn mã được quản lý mức tài liệu và mức ứng dụng đằng sau các ứng dụng của hệ thống Office 2007 nhanh chóng và dễ dàng. Thiết kế viên ảo đính kèm của Visual Studio cho các tính năng giao diện người dùng chính của Office 2007 cung cấp cho chuyên gia phát triển phần mềm những kinh nghiệm phát triển RAD và cho phép họ phân phối các ứng dụng có giao diện dựa trên Office chất lượng cao.


Thứ tư là Xây dựng các ứng dụng Windows Vista hiệu quả: Visual Studio cung cấp công cụ cho phép các chuyên gia xây dựng ứng dụng giàu kinh nghiệm nhanh chóng và dễ dàng. Các công cụ này gồm có một bộ thiết kế và bộ soạn thảo XAML, các mẫu dự án và hỗ trợ gỡ rối, hỗ trợ triển khai,…

Không chỉ là hỗ trợ về mảng thiết kế giao diện trực quan thông qua Windows Form Designer, Visual Studio 2008 còn hỗ trợ nhà phát triển can thiệp sâu vào XAML để xây dựng giao diện cho các ứng dụng dựa trên nền WPF. Ngoài ra, theo Microsoft thì Visual Studio 2008 hỗ trợ tới trên 8000 API (Application Programming Interface) dành riêng cho Vista. Thậm chí Visual Studio 2008 còn hỗ trợ cả WF (Windows Workflow Foundation) giúp nhà phát triển dễ dàng hơn khi triển khai ứng dụng, có thể không cần viết một dòng mã nào.


Về Quản lý chu trình phát triển ứng dụng ta có thể thấy nhữn ưu điểm sau trong Visual Studio 2008:
Bằng việc hỗ trợ các định dạng chung (như XML) và cho phép nhân viên thiết kế kiểm soát trực tiếp hơn với layout, các control và sự dàng buộc dữ liệu của giao diện ứng dụng người dùng (UI), Visual Studio làm cho các thiết kế viên hòa nhập vào quá trình phát triển dễ dàng hơn. Thiết kế viên có thể sử dụng các công cụ thân thiện như Microsoft® Expression® Suite để tạo các giao diện người dùng và file thủ tục để các chuyên gia phát triển phần mềm có thể làm việc trực tiếp trong Visual Studio. Visual Studio hỗ trợ đầy đủ sự cộng tác luồng công việc, cho phép các thiết kế viên và chuyên gia phát triển phần mềm quản lý được công việc trước/sau và công việc song song. Ngoài ra các thiết kế viên và chuyên gia phát triển phần mềm cũng có thể xây dựng các thư viện thành phần, định dạng và các thiết kế giao diện người dùng chung để dễ dàng quản lý và sử dụng lại.


Sự triển khai ClickOnce trong Visual Studio 2005 đã cung cấp cho Web như triển khai cho các máy khách thông minh. Người dùng có thể vào một URL và kích vào một liên kết để có thể cài đặt ứng dụng máy khách thông minh trên máy tính của họ. Các chuyên gia CNTT có thể triển khai các phiên bản mới của ứng dụng chỉ cần đơn giản bằng cách sao chép ứng dụng mới vào URL. Trong Visual Studio 2008, ClickOnce hiện còn hỗ trợ cho cả trình duyệt Firefox® và cung cấp việc ký độc lập location và gán nhãn khách hàng. Thêm vào đó, ClickOnce hiện còn hỗ trợ triển khai thông qua các máy chủ proxy được thẩm định và cho phép các chuyên gia phát triển phần mềm phân phối được ứng dụng của họ đến nhiều công ty từ một vị trí trung tâm.
Microsoft Synchronization Services cho ADO.NET cung cấp một giao diện lập trình ứng dụng (API) giúp đồng bộ hóa dữ liệu giữa các dịch vụ dữ liệu và kho dữ liệu cục bộ. Synchronization Services API được mô hình hóa sau khi các giao diện lập trình ứng dụng truy cập dữ liệu ADO.NET và cho bạn một cách trực giác để đồng bộ dữ liệu. Nó làm cho việc xây dựng các ứng dụng trong môi trường kết nối không thường xuyên được mở rộng về mặt logic, nơi có thể phụ thuộc vào sự nối mạng nhất quán.


Về Triển khai các công nghệ mới nhấtthể hiện ở những điểm sau:
Cho phép chuyên gia phát triển phần mềm Web lập trình các giao diện Web tương tác người dùng “AJAX-style”: Visual Studio cung cấp cho các chuyên gia phát triển tất cả công cụ và sự hỗ trợ framework cần thiết để tạo các ứng dụng Web hấp dẫn, nhiều ý nghĩa và cho phép AJAX. Các chuyên gia phát triển có thể lợi dụng sự phong phú trình khách, trình chủ, các khung làm việc để xây dựng lên các ứng dụng Web tập trung nhiều về phía trình khách mà vẫn tích hợp với bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu back-end, hoạt động với bất kỳ trình duyệt nào và có toàn bộ sự truy cập vào các dịch vụ ứng dụng ASP.NET và nền tảng Microsoft.


Thiết kế và thi hành dịch vụ Web:
Như khái niệm về dịch vụ Web có liên quan rút ra, Visual Studio sẽ cho phép các chuyên gia phát triển cấu hình các điểm cuối dịch vụ, sử dụng cùng các công cụ và mã mà không cần quan tâm đến giao thức (HTTP, TCP/IP) gì được sử dụng , để truyền đi các thông báo và kiểm tra dịch vụ không mã. Các chuyên gia và đối tác có thể mở rộng các giao thức cơ sở để quản lý bất cứ sự định nghĩa nào cho dịch vụ Web.


Dễ dàng sử dụng các dịch vụ Windows Communication Foundation (WCF):
Các chuyên gia có thể sử dụng các công cụ RAD để tạo nhanh chóng và dễ dàng kết nối máy khách và proxy đến các dịch vụ đang tồn tạo, kiểm tra chúng mà không cần phải viết mã. Thêm vào đó, các chuyên gia phát triển phần mềm có thể sử dụng cùng công nghệ và công cụ cho các dịch vụ WCF dù chúng có được đặt ở đâu đi nữa.


Thực thi dịch vụ được tích hợp với thiết kế luồng công việc: Visual Studio cho phép chuyên gia phát triển phần mềm soạn lại hành vi trong toàn bộ các dịch vụ với Windows Workflow Foundation (WF) để hình dung, tạo, soạn thảo và gỡ rối các nhiệm vụ luồng công việc và các thành phần phụ thuộc.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT NHẰM PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM MICROSOFT VISUAL STUDIO 2008 Ở THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Bài viết này xin mạnh dạn đề xuất những ý kiến của cá nhân về việc phát triển sản phẩm Microsoft visual studio 2008 ở thị trường việt nam như sau:


Trước hết là Những thuận lợi: Có thể nói MICROSOFT đã đặt một nền móng vững chắc cho sự phát triển thị trường ở Việt Nam. Các sản phẩm phần mềm của Microsoft được người dân Việt Nam sử dụng rộng rãi mà tiêu biểu là Hệ điều hành Windows, Bộ phần mềm xử lý văn phòng Microsoft office… Có thể nói tâm lý ưu chuộng các sản phẩm của tập đoàn MICROSOFT đã ăn sâu vào tâm lý tiêu dùng của người dân Việt Nam. Vì thế khi phát hành sản phẩm mới Microsoft visual studio 2008 thì người dân dễ dàng chấp nhận, bởi đó là sản phẩm tin học của thương hiệu hàng đầu thế giới.

Một điểm mạnh nữa phải được nhắc đến đó là MICROSOFT có sự chuyên nghiệp trong việc Marketting sản phẩm của mình. Những bài báo, tin bài cũng như phóng sự truyền hình đã góp quảng bá hình ảnh sản phẩm tin học của Microsoft đến người dân Việt Nam một cách rộng rãi. Bên cạnh đó là những cuộc thi tìm hiểu về các sản phẩm của Microsoft cũng khuyến khích mọi người them tin tưởng và mua các sản phẩm của tập đoàn.

Một điều quan trọng nữa là tập đoàn có một tiềm lực kinh tế mạnh. Điều tạo nên một sự tin tưởng của người tiêu dùng về sự phát triển các sản phẩm tin học cũng như công tác bảo hành, khuyến mại.


Về những khó khăn: ở Việt Nam hiện nay việc bảo vệ bản quyền chưa được quan tâm thỏa đáng, mặt khác người dân cũng có ý thức chưa cao về vấn đề bản quyền. Đây là một điều khó khăn lớn trong việc bán các sản phẩm tin học mà cụ thể là Microsoft visual studio 2008 của tập đoàn.

Một khó khăn lớn nữa là trình độ tin học của người dân Việt Nam chưa cao nên việc sử dụng các phần mềm tiếng anh cũng là một điều khó khăn.
Một đặc điểm nữa là ở Việt Nam có sự chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền (đặc biệt về phát triển cơ sở hạ tầng thông tin xã hội) , vì vậy một số thông tin về các sản phẩm tin học mới của tập đoàn mà cụ thể ở đây là Microsoft visual studio 2008 chưa đến được tận tai người dân. Đó cũng là một khó khăn cho việc quảng bá sản phẩm


Những giải pháp đề xuất:
+ Tập đoàn MICROSOFT phải có kế hoạch làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện đúng luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm của mình (ở đây là Microsoft visual studio 2008). Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc bảo hộ bản quyền.

+ Microsoft visual studio 2008 nên có một chương trình hỗ trợ mã hóa tiếng việt, tạo điều kiện cho người Việt Nam sử dụng được dễ dàng. Đồng thời cũng thông qua đài báo, loa đài cũng như các tổ chức giáo dục nhà trường, đoàn thể phổ cập kiến thức tin học cho người dân, cũng như cách sử dụng Microsoft visual studio 2008.

+ Tập đoàn nên có những đợt khuyến mãi để thúc đẩy người dân mua sản phẩm của mình; Đồng thời phải tăng cường công việc bảo hành, sữa chữa, cũng như cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng.

Mặt khác hiện nay giá thành sản phẩm (Microsoft visual studio 2008 ) còn quá cao so với một số vùng, địa phương trong nước Việt Nam. Hãng nên có chính sách ưu đãi về giá cả đối một số địa phương khó khăn. Đó cũng là cách khuyến khích người dân mua sản phẩm của mình

+ Tăng cương hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm (Microsoft visual studio 2008) ở thị trường Việt Nam. Có thể dưới hình thức tổ chức những cuộc thi tìm hiểu, hay quảng cáo…
Trên đây là những ý kiến của cá nhân tôi, rất mong được sự đóng góp của mọi người

0 Comments:

Post a Comment